Dinh dưỡng cho trẻ em trong những ngày hè
Đặc điểm của mùa hè là thời tiết nóng. Điều này làm trẻ đổ mồ hôi nhiều gây mất nước, mất muối vì trong mồ hôi không chỉ có nước đơn thuần mà còn kèm thêm muối khoáng (natri, chlorua). Việc sử dụng quạt, máy lạnh cũng góp phần làm trẻ mất nước.
Nước là thành phần rất quan trọng trong cơ thể, chiếm 2/3 trọng lượng cơ thể (với trẻ em thì nhiều hơn). Nước là môi trường sống cho tế bào, là dung môi cho mọi chuyển hóa chất các dinh dưỡng, là chất điều hòa nhiệt độ, là phương tiện bài tiết những chất độc hại…
Vì vậy, nếu thiếu nước thì cơ thể sẽ bị rối loạn nhiều chức năng sinh lý như tiêu hóa, hấp thu, bài tiết. Nếu chức năng sinh lý bị rối loạn lâu dài có thể sinh ra bệnh tật. Với trẻ em thì tình trạng mất nước làm cho thiếu men tiêu hóa nên trẻ sẽ khó tiêu và biếng ăn. Đây là điều lo ngại cho các các bậc phụ huynh. Vì mất nước sẽ khiến cơ thể thường có phản ứng là uống nhiều hơn ăn và thích uống nước lạnh, nước ngọt. Nếu không điều chỉnh cách ăn uống thì sẽ bị suy dinh dưỡng do ăn ít, do tiêu chảy vì ăn thức ăn ôi thiu, nhiễm bẩn, uống nước đá không vệ sinh; hoặc ngược lại, bị béo phì do uống quá nhiều nước ngọt nhưng lại thiếu chất dinh dưỡng nên không phát triển chiều cao và trí thông minh.
Hơn nữa, thực phẩm trong mùa hè là dễ bị ôi thiu, dễ bị nhiễm bẩn do bụi và vi trùng trong quá trình chế biến, vận chuyển và dự trữ.
Từ những đặc điểm cơ thể và thức ăn nêu trên mà có những nguyên tắc sau giúp trẻ khỏe mạnh trong mùa hè.
Về nguyên tắc chung
– Năng lượng (tức là số lượng thức ăn) thì trẻ cần ăn như bình thường.
– Tỷ lệ các chất dinh dưỡng có thay đổi. Cụ thể: chất bột đường tăng (đặc biệt là loại đơn giản: đường trong trái cây); chất béo giảm (ăn ít dầu mỡ: giảm thức ăn chiên, xào); chất đạm như bình thường (số lượng thịt cá, trứng, sữa không thay đổi); tăng Vitamin và muối khoáng và nước (tăng trái cây và nước trái cây, sữa…)
Cách chế biến và nuôi dưỡng trẻ
– Thức ăn mềm, lỏng (cháo, bột, soup) có mùi vị thơm, có thể hơi chua, ngọt (canh chua, riêu…)
– Ăn nhiều bữa 5-6 bữa/ngày, đêm uống thêm một lần sữa.
– Bữa ăn nhiều rau xanh.
– Trái cây, trái cây xay: ăn sau khi ăn hoặc sau khi ngủ dậy.
– Uống sữa, ăn yaourt mát.
Những điều cần chú ý về vệ sinh an toàn thực phẩm
– Thức ăn nấu chín để ngoài môi trường chỉ sau 2 giờ có thể sẽ bị ôi thiu không nên sử dụng. Nên ăn ngay sau khi nấu, nếu còn dư thừa thì nên bảo quản trong tủ lạnh, khi đem ra ăn thì phải đun sôi lại 5 phút mới ăn. Không nên chỉ đun ấm lên, vì nếu thức ăn bị nhiễm khuẩn thì không giết chết vi khuẩn.
– Không ăn thức ăn dự trữ lâu vì dễ gây rối loạn tiêu hóa (ói, tiêu chảy).
– Khi đi ăn ở hàng quán hoặc mua thức ăn nên chọn những hàng quán đông khách và có thiết bị dự trữ thực phẩm đúng cách (tủ lạnh, che kín, gắp thức ăn bằng đũa, không dùng tay vừa bốc thức ăn vừa nhận tiền…)
– Uống đủ nước theo nhu cầu đặc biệt sau khi ngủ dậy nhưng không uống nước ngọt và nước trái cây trước bữa ăn một giờ.
– Không uống các loại “nước mát” có tính chất lợi tiểu vì làm như vậy sẽ làm tăng khả năng thiếu nước nếu không uống đủ nước.
– Không uống nước đá làm từ nước chưa nấu chín hoặc nước không tinh khiết.